Ông Năm trình bày: Gia đình ông khai phá, sử dụng khu đất 31.556,7m2 tại ấp Ông Lang (xã Cửa Dương, H.Phú Quốc). Ông tiến hành kê khai, đăng ký và được UBND H.Phú Quốc cấp giấy chứng nhận (GCN) quyền sử dụng đất (QSDĐ) số 487/1999/QĐ-UB ngày 08/7/1999 với diện tích 19.200m2, loại đất trồng cây công nghiệp lâu năm. Còn lại 10.916,7m2 chưa được cấp GCN. Ngoài ra, có 1.440m2 ông mua của ông Nguyễn Ngọc Thành để làm đường đi.
Năm 2002, UBND xã Cửa Dương thông báo khu đất của ông được quy hoạch làm Dự án Khu du lịch (KDL) sinh thái Đảo Phú Quốc. Ngày 29/5/2007, UBND tỉnh Kiên Giang ban hành QĐ phê duyệt phương án bồi thường thiệt hại về đất đai, hoa màu, vật kiến trúc và hỗ trợ để giải phóng mặt bằng, giao đất cho chủ đầu tư xây dựng KDL sinh thái. Trong đó, có phần đất 31.556,7m2 của gia đình ông Năm đang sử dụng.
Theo phương án được phê duyệt, hộ ông Năm không được bồi thường, hỗ trợ về đất. Ngày 18/7/2007, Trưởng ban Đền bù giải tỏa (ĐBGT) H.Phú Quốc Phạm Mỹ ký văn bản (VB) số 170/TB-ĐBGT, thông báo ông Năm đến UBND xã Cửa Dương “nhận tiền bồi thường về hoa màu, vật kiến trúc bị thiệt hại trong khu vực quy hoạch giao cho Công ty CP Đầu tư xây dựng dịch vụ Quý Hải khai thác cát tại đồng Cây Sao, xã Cửa Dương”. Số tiền bồi thường được Trưởng ban Phạm Mỹ duyệt là 18,65 triệu đồng, nhưng ông Năm không đồng ý nhận.
Ngày 24/8/2010, Trưởng ban Phạm Mỹ ký tiếp VB số 675/TB-ĐBGT “chi trả bồi thường, hỗ trợ bổ sung” trong Dự án KDL sinh thái Đảo Phú Quốc với tổng số tiền 1,489 tỷ đồng, theo QĐ số 2991/QĐ-UBND ngày 20/8/2010 của UBND H.Phú Quốc.
Ông Năm nhớ lại: “Thật lạ, dự án KDL sinh thái mà lại kèm “khai thác cát” và sân golf”. Càng lạ hơn, việc bồi thường, hỗ trợ được duyệt giống kiểu “ban ơn”, muốn cho bao nhiêu tùy thích! Do đó, tôi tiếp tục có đơn khiếu nại, đề nghị lãnh đạo UBND H.Phú Quốc xem xét, bồi thường hỗ trợ đúng quy định, thấu lý đạt tình, tạo điều kiện cho các hộ bị thu hồi đất như gia đình tôi ổn định cuộc sống”.
Trên bảo, dưới… “làm thinh”!
Ngày 31/8/2010, ông Năm gửi đơn khiếu nại về việc bồi thường đất. Sau khi xem xét, UBND H.Phú Quốc xác định đủ điều kiện thụ lý để giải quyết”. Ngày 04/10/2010, Chủ tịch UBND H.Phú Quốc thời điểm đó là ông Văn Hà Phong ký VB số 525/TB-UBND, xác định rõ: “Sau khi xem xét nội dung đơn khiếu nại của ông Bùi Năm, căn cứ Điều 32 Luật Khiếu nại, tố cáo, đã được sửa đổi bổ sung; Điều 2 và Điều 32 Nghị định 136/NĐ-CP ngày 14/11/2006 của Chính phủ “quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Khiếu nại, tố cáo”, UBND H.Phú Quốc nhận thấy đơn của ông Bùi Năm đủ điều kiện thụ lý để giải quyết”.
Ông Năm bày tỏ: “Nhận được VB do đích thân Chủ tịch UBND H.Phú Quốc ký, cả nhà tôi ai cũng vui mừng, nghĩ rằng khiếu nại chính đáng của gia đình sẽ được Chủ tịch UBND H.Phú Quốc xem xét, ký ban hành QĐ giải quyết khiếu nại theo quy định! Buồn thay, từ tin tưởng, tràn đầy hy vọng, tôi mất dần niềm tin, rơi vào tuyệt vọng!”.
Ngày 05/11/2021, ông Năm có đơn khiếu nại gửi Chủ tịch UBND TP.Phú Quốc, nội dung: “Ngày 04/10/2010, Chủ tịch UBND H.Phú Quốc ký VB số 525/TB-UBND thông báo thụ lý giải quyết đơn khiếu nại của tôi. Tuy nhiên, đến nay chưa giải quyết. Do đó, tôi đề nghị Chủ tịch UBND H.Phú Quốc ban hành QĐ giải quyết khiếu nại như đã thông báo”.
Không được hồi âm nên ngày 24/11/2021, ông làm đơn “đăng ký gặp Chủ tịch UBND H.Phú Quốc” (lần 1), nội dung: “Khi thực hiện dự án KDL sinh thái, Nhà nước đã thu hồi của tôi 31.556,7m2 (trong đó có 19.200m2 được cấp GCN) nhưng chỉ được hỗ trợ. Tôi khiếu nại yêu cầu bồi thường. Chủ tịch UBND H.Phú Quốc ký VB thụ lý, nhưng đã gần 12 năm trôi qua vẫn chưa ban hành QĐ giải quyết cho tôi theo quy định.
Ngày 05/11/2021, tôi tiếp tục gửi đơn. Vì các lẽ trên, tôi đăng ký gặp Chủ tịch UBND TP.Phú Quốc để trình bày tâm tư, nguyện vọng. Đồng thời, tôi muốn hiểu rõ vì sao đơn của tôi chưa được giải quyết, trong khi các hộ khiếu nại giống trường hợp như tôi đã được ban hành QĐ giải quyết, lập phương án bổ sung và nhận tiền bồi thường”.
Vụ việc rơi vào “im lặng” nên ngày 01/3/2022, ông Năm tiếp tục có đơn kiến nghị, nội dung: “Tôi đã liên hệ với Ban Tiếp công dân TP.Phú Quốc thì nhận được thông tin chưa có VB chỉ đạo cơ quan chuyên môn tham mưu giải quyết hai đơn ngày 05 và 24/11/2021 của tôi. Qua đơn này, một lần nữa tôi đăng ký gặp Chủ tịch UBND TP.Phú Quốc để trình bày tâm tư, nguyện vọng của mình”.
Nguyện vọng gặp Chủ tịch UBND TP.Phú Quốc bất thành, ông Năm làm đơn khiếu nại gửi đến các cơ quan chức năng của tỉnh Kiên Giang.
Ngày 17/6/2022, Ban Nội chính Tỉnh ủy tỉnh Kiên Giang có VB số 191-CV/BNCTU, chuyển đơn khiếu nại của ông Bùi Năm đến Chủ tịch UBND TP.Phú Quốc xem xét, giải quyết theo quy định, trả lời cho đương sự và thông báo kết quả cho Ban Nội chính Tỉnh ủy.
Ngày 29/6/2022, Văn phòng UBND tỉnh Kiên Giang có VB số 5044/VP-TCD, truyền ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lâm Minh Thành: “Giao UBND TP.Phú Quốc kiểm tra nội dung đơn của ông Bùi Năm, trường hợp chưa xem xét giải quyết khiếu nại thì khẩn trương giải quyết theo quy định của pháp luật về khiếu nại; kết quả thực hiện có văn bản trả lời công dân và báo cáo UBND tỉnh trong tháng 7/2022 để biết, theo dõi”.
Ông Năm bức xúc: “Chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang rõ ràng như thế, nhưng đến nay đã hơn 2 năm 3 tháng, tôi vẫn chưa nhận được văn bản trả lời từ UBND TP.Phú Quốc. Vụ việc tiếp tục rơi vào im lặng nên buộc lòng tôi phải kêu cứu, mong Chủ tịch UBND TP.Phú Quốc khẩn trương thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, đừng để “trên bảo dưới làm thinh” khiến người dân suy giảm niềm tin vào chính quyền”…
Có mặt tại TP.Phú Quốc sáng 09/10/2024, sau khi xác minh thực tế, phóng viên (PV) đến UBND TP.Phú Quốc để nắm thông tin và trao đổi một số vấn đề liên quan. Do không gặp được Chủ tịch UBND TP.Phú Quốc, PV đã gửi lại “phiếu đề nghị cung cấp thông tin”, cụ thể như sau:
Thứ nhất, cơ sở pháp lý để giao đất thực hiện Dự án KDL sinh thái Đảo Phú Quốc. Qua kiểm tra thực địa, hàng trăm nghìn mét vuông đất Dự án sau khi thu hồi bị bỏ hoang, trách nhiệm của các đơn vị và cá nhân liên quan?
Thứ hai, Dự án đã kéo dài gần 20 năm vẫn không triển khai và đưa đất vào sử dụng, theo quy định của pháp luật, Nhà nước phải thu hồi. Lãnh đạo UBND TP.Phú Quốc xử lý trường hợp như thế nào?
Thứ ba, có bao nhiêu hộ dân bị thu hồi đất để thực hiện Dự án? Công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định gặp trở ngại gì? Đến nay, ngoài gia đình ông Năm, còn bao nhiêu trường hợp khiếu tố, kêu cứu?
Thứ tư, một số hộ dân khiếu nại giống ông Năm, cụ thể như hộ Lý Kim Vân, hộ Văn Văn Du, hộ Trương Thị Đẹp khiếu nại yêu cầu bồi thường về đất, được Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang chỉ đạo xử lý. Thanh tra tỉnh chủ trì cùng Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND TP.Phú Quốc và các ngành chức năng đã tiến hành phúc tra toàn bộ vụ việc. Theo ông Năm trình bày, cả 3 hộ này đã được UBND TP.Phú Quốc ban hành QĐ giải quyết khiếu nại, lập phương án bổ sung và nhận tiền bồi thường.
Kính đề nghị UBND TP.Phú Quốc thông tin về 3 trường hợp này?
Đến nay, PV và Tòa soạn chưa nhận được phản hồi từ UBND TP.Phú Quốc. Liên quan đến vụ việc này, PV đã thu thập được nhiều tài liệu chứng cứ quan trọng và sẽ thông tin đến bạn đọc trong các số báo tới…
Theo CATP