MC Năm Chà và trải nghiệm thu hoạch mật ong trong Việt Nam 365 ngày thú vị

(Alotintuc.com) – MC Năm Chà vô cùng bất ngờ khi tham quan và trải nghiệm các hoạt động trong quy trình nuôi ong lấy mật tại rừng tràm Trà Sư. 

Chuỗi series về du lịch, trải nghiệm và khám phá đầy sống động, hấp dẫn Việt Nam 365 ngày thú vị tiếp tục mang đến những điều thú vị về một đất nước chỉ xinh đẹp về những kiệt tác thiên nhiên mà còn sở hữu những giá trị về văn hoá lâu đời, sâu sắc ấn tượng. Đến với rừng tràm Trà Sư tại “Xứ sở thần tiên” An Giang, Năm Chà đã có cơ hội được khám phá nghề nuôi Ong mật cùng nhiều hoạt động vô cùng thú vị.

Rừng tràm Trà Sư (xã Văn Giáo, thị xã Tịnh Biên, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang) đã từ lâu trở thành điểm đến lý tưởng cho những ai yêu thích thiên nhiên hoang sơ. Rừng tràm Trà Sư cách Châu Đốc khoảng 30km, cách khu vực biên giới Việt Nam và Campuchia chỉ khoảng 10km, được trồng theo mô hình hệ sinh thái điển hình vùng ngập nước phía Tây sông Hậu. Khu rừng sở hữu một không gian thiên nhiên với rừng tràm rợp bóng hai bên, yên bình, êm ả. Không chỉ là địa điểm du lịch lý tưởng cho du khách yêu thích vẻ đẹp tự nhiên, rừng tràm Trà Sư còn được biết đến là “ngôi nhà chung” của hàng loạt loài chim nước, động vật hoang dã quý hiếm –  khu bảo tồn của rất nhiều lớp sinh vật nhiệt đới đang sinh sống ở vùng đất Tây Nam Bộ. Ngoài nổi tiếng với du lịch, người dân tại đây còn phát triển nghề nuôi ong lấy mật nhờ vào những cây tràm đầy hoa. 

Có mặt tại trang trại nuôi ong mật ở rừng tràm Trà Sư, MC Năm Chà được nếm trực tiếp mật ong được chiết xuất từ hoa tràm: “Mật ong từ hoa tràm có vị ngọt thanh, thơm nhẹ của hoa tràm. Đặc biệt là có thoảng một vị chua nhẹ rất đặc trưng!”. Mật ong tại rừng tràm Trà Sư hoàn toàn là mật ong tự nhiên nguyên chất từ hoa tràm tinh khiết, không nhiễm thuốc bảo vệ thực vật, không nhiễm kháng sinh, không tạp chất. Khác với mật ong được chiết xuất từ hoa nhãn, hoa cafe hay các loại hoa khác, mật ong hoa tràm sẽ có màu vàng nhạt, mùi thơm nhẹ nhàng hơn và có độ ngọt vừa phải.

Ong giống tại rừng tràm Trà Sư thuộc giống ong mật tại Ý nhưng đã được thuần chủng tại Việt Nam. Tổ ong được nuôi trong các thùng xốp nhựa với số lượng lớn, mỗi thùng từ 2-300 con ong, từ đó phát triển nhân lên số lượng 10-15.000 con để có thể tách ra thành nhiều thùng khác nhau. Với lợi thế rừng tràm tự nhiên phong phú có sẵn, đàn ong có nguồn thức ăn ổn định, tạo điều kiện cho đàn ong khỏe mạnh tạo mật nhiều với chất lượng tốt.

Trang trại nuôi ong mật tại rừng tràm Trà Sư đang là “ngôi nhà” của khoảng 200 tổ ong với khoảng 150 thùng xốp, cung cấp khoảng từ 10 lít mật/ ngày và 300-350 lít mật ong/tháng. Vào mùa nước nổi (khoảng từ tháng 8 đến tháng 2 năm sau), hoa tràm nở rộ, các chú ong mật sẽ bay đi khắp rừng tràm để lấy mật và mỗi 25-30 ngày sẽ thu hoạch mật ong một lần. 

MC Năm Chà là người may mắn được quan sát và trải nghiệm toàn bộ quy trình lấy mật tại rừng tràm Trà Sư. Khi thăm ong lấy mật sẽ phải đốt khói để thuận tiện lấy được tổ ong một cách an toàn nhất. Sau khi cắt sáp ong, tổ sẽ được đặt vào máy quay ly tâm, lực ly tâm sẽ vắt toàn bộ mật ong mà không phá huỷ tổ, giữ an toàn cho những “em bé ong” trong tổ giúp tăng trưởng bầy đàn mỗi năm, trở thành những “chú thợ lấy mật” cho những mùa vụ sau. Không chỉ tự tay cắt sáp, MC Năm Chà được nếm thử sáp ong và quay máy ly tâm để lấy mật. 

Mật ong sau khi thu hoạch được từ máy ly tâm sẽ trải qua giai đoạn lọc tạp chất để cho ra thành phẩm hoàn chỉnh. Chia sẻ kiến thức về tác dụng của mật ong, MC Năm Chà cho biết: “Theo tìm hiểu của Năm Chà, mật ong không chỉ giúp kháng viêm mà còn tốt cho tiêu hoá, đẹp da, khoẻ giọng và tăng sức đề kháng”. Ngoài ra, Sáp ong có thể ứng dụng để làm son môi, đèn cầy hoặc vỏ thuốc con nhộng 

Nghề nuôi ong mật đóng góp rất nhiều vai trò cho rừng tràm Trà Sư, không chỉ tạo ra sản phẩm chất lượng, việc làm ổn định, giá trị kinh tế cho nhiều người mà còn giúp cân bằng sinh thái, góp phần bảo vệ và giữ gìn những cánh rừng tràm quý giá. 

Đón xem Việt Nam 365 ngày thú vị được lên sóng vào 18h30 các ngày trong tuần trên kênh VTV9. Chương trình do Đài truyền hình Việt Nam phối hợp với Công ty Truyền thông Bee thực hiện.

Minh Khôi

Chủ đề:
Tin cập nhật