Lạ kỳ người làm chứng lúc “Lê” biến thành họ “Võ”

Bị đơn, bà Huỳnh Thị Bế, 64 tuổi, vừa có đơn gửi Tạp chí Người cao tuổi, phản ánh giải quyết “Tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và mua bán nhà; tranh chấp hợp đồng tín dụng” với nguyên đơn, ông Đỗ Văn Đê (62 tuổi), bà Tô Thị Bé thể hiện nhiều dấu hiệu không khách quan như việc sử dụng chứng cứ và nhân chứng có dấu hiệu giả mạo để giải quyết vụ án, là căn cứ để Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng Viện KSND Tối cao xem xét theo thủ tục Giám đốc thẩm đối với vụ án…

Nội dung vụ án

Theo hồ sơ vụ án: Bà Huỳnh Thị Bế là chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ, Giấy chứng nhận Đăng kí kinh doanh số: 0311631512. Ông Đỗ Văn Đê, ở khu phố 3, phường An Phú Đông, quận 12 có nhiều nhà đất tại TP Hồ Chí Minh và tỉnh Long An, thường hay cầm cố, thế chấp tài sản cho bà Bế. Khi cầm cố để vay, hai bên thường lập Hợp đồng mua bán nhà, đất bằng hình thức viết tay, không có công chứng; bà Bế sẽ tạm giữ giấy chủ quyền nhà, đất của ông Đê như là tài sản thế chấp cho các khoản vay; ngay khi hoàn trả tiền gốc và lãi, ông Đê sẽ nhận lại giấy tờ nhà đất và Hợp đồng mua bán viết tay bị hủy.

Ông Đê có kí 2 Hợp đồng tín dụng với Ngân hàng Agribank – Chi nhánh Gia Định:

– Hợp đồng số 2007.24TH0108/HĐTB ngày 29/8/2007, với khoản vay 4 tỉ đồng, thời hạn vay 5 năm, đến ngày 29/8/2012 mới đáo hạn. Tài sản thế chấp gồm: Nhà, đất số 0934/3E khu phố 3, phường An Phú Đông, quận 12 (sau đây gọi là: nhà đất số 0934/3E); nhà, đất số 272/13/3 Quốc lộ 1A, phường An Phú Đông (sau đây gọi là: Nhà đất số 272/13/3); quyền sử dụng đất (QSDĐ) 1.922m2 thửa số 4106, tờ bản đồ số 02 tại phường An Phú Đông, quận 12 và QSDĐ thửa số 1230, tờ bản đồ số 03 tại xã Phong Phú, huyện Bình Chánh, cùng ở TP Hồ Chí Minh.

Bà Huỳnh Thị Bế làm chủ tài sản từ năm 2010 sau khi mua của ông Đỗ Văn Đê.
Bà Huỳnh Thị Bế làm chủ tài sản từ năm 2010 sau khi mua của ông Đỗ Văn Đê.

– Hợp đồng số 6400-LAV.200900245/HĐTD ngày 22/1/2009 tiền vay 4 tỉ đồng (đã giải ngân 2 tỉ), thời hạn vay 40 tháng, đến ngày 22/5/2012 mới đáo hạn. Tài sản thế chấp gồm QSDĐ thửa đất số 629, tờ bản đồ số 05 tại phường An Phú Đông.

Ngày 10/1/2009, ông Đê kí hợp đồng đặt cọc nhận của bà Bế 400 triệu đồng để bán nhà, đất tại số 0934/3E nói trên. Do ông Đê đang thế chấp tại Ngân hàng nên hai bên tạm ghi giá trị căn nhà chuyển nhượng là 1 tỉ đồng. Và, bà Bế cũng cần thời gian xoay xở tiền mới có thể giải chấp tất cả các giấy tờ trên tại ngân hàng để thực hiện việc mua bán nhà, đất.

Để có đủ tiền mua nhà, đất, bà Bế đã vay 3,3 tỉ đồng của Ngân hàng ACB (145 Đặng Văn Bi, phường Trường Thọ, TP Thủ Đức). Văn bản xác nhận dư nợ của Ngân hàng ACB đã nộp thêm chứng cứ cho Tòa phúc thẩm nhưng không được ghi nhận, xem xét.

Ngày 7/8/2010, ông Đê và bà Bế đến Ngân hàng để trả nợ và giải chấp 5 tài sản của 2 hợp đồng vay nêu trên. Sau khi được giải chấp, ông Đê đã bán cho bà Bế 3 tài sản, đều được thực hiện tại Phòng công chứng Nhà nước số 3, TP Hồ Chí Minh. Cụ thể:

Hợp đồng mua bán nhà ở số công chứng 18063, quyển số: 4TP/CC-SCC/HĐGD lập ngày 11/8/2010, đối với nhà đất số 0934/3E.

Hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ số công chứng 18062, quyển số: 4TP/CC-SCC/HĐGD lập ngày 11/8/2010, với phần đất 1.922m2 thuộc thửa số 4106 nói trên.

Hợp đồng mua bán nhà ở số công chứng 26012, quyển số: 6TP/CC-SCC/HĐGD lập ngày 9/11/2010, đối với nhà đất số 272/13/3 nói trên.

Hai tài sản còn lại, ông Đê đã bán cho ông Phan Thế Hòa.

Ngày 11/4/2011, ông Đê tiếp tục vay mượn của bà Bế 9,5 tỉ đồng, thế chấp các tài sản là nhà đất ở Long An và TP Hồ Chí Minh. Hai bên lập Giấy mượn tiền có người làm chứng là ông Nguyễn Thành Trai và bà Lê Thị Bé. Giấy mượn tiền được lập một bản duy nhất, đã được bà Bế xé hủy sau khi ông Đê hoàn trả đủ tiền gốc và lãi. Hai bên không ghi nhận tài sản thế chấp là tài sản nào do ông Đê đưa cho bà Bế rất nhiều giấy tờ nhà đất.

Trong khuôn viên nhà đất số: 0934/3E có 1 ngôi mộ. Ngày 3/12/2011, ông Đê lập Giấy cam kết di dời mộ trong thời hạn 2 năm, kể từ ngày kí cam kết nhưng sau đó không thực hiện.

Sau khi bán tài sản nêu trên, ông Đê bàn giao nhà đất số 0934/3E cho bà Bế, đồng thời xin bà Bế ở nhờ lại tại căn nhà số 272/13/3 một thời gian rồi sắp xếp về quê ở Long An sinh sống. Tuy nhiên, đến khoảng tháng 8/2011, ông Đê không muốn quay về Long An nữa nên ngỏ ý muốn mua lại căn nhà 272/13/3, vì ông không còn nhà đất tại TP Hồ Chí Minh. Tại thời điểm đó, bà Bế cũng cần tiền trả các khoản vay của Ngân hàng ACB nên bà và ông Đê cùng thống nhất cho con gái của bà Bế là chị Vũ Thị Thu Hiền cùng chồng (anh Phan Hữu Tồn) đứng ra vay Ngân hàng TMCP Phương Tây 900 triệu đồng. Ông Đê phải có nghĩa vụ trả góp cho Ngân hàng Phương Tây cho đến khi hoàn tất thì căn nhà nêu trên sẽ sang tên lại cho ông Đê. Ông Đê đồng ý, đã trả tiền gốc và lãi cho Ngân hàng một thời gian thì không còn khả năng thanh toán.

Ngày 18/11/2013, ông Đê khởi kiện, yêu cầu Toà án huỷ 3 hợp đồng chuyển nhượng nhà đất đã công chứng ngày 11/8/2010 và ngày 9/11/2010, vì cho rằng cả 3 hợp đồng đều “giả cách”, che giấu việc vay mượn tiền.

Bản án sơ thẩm số 1449/2023/DS-ST ngày 21/8/2023, TAND TP Hồ Chí Minh, xử: Chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của các nguyên đơn; vô hiệu cả 3 hợp đồng chuyển nhượng nhà đất số 0934/3E, nhà đất số 272/13/3 và QSDĐ 1.922m2; huỷ cả 3 Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà, QSDĐ do UBND quận 12 cấp cho bà Bế ngày 4/10/2010, ngày 6/10/2010 và ngày 29/12/2010.

Bản án phúc thẩm số 595/2024/DS-PT ngày 5/8/2024, chấp nhận toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn.

Lạ kì nhân chứng lúc họ “Lê”, lúc là họ “Võ” (!?)

Chứng cứ mà nguyên đơn đưa ra chính là Giấy mượn tiền lập ngày 11/4/2011 (bản phô tô). Vụ án kéo dài hơn 10 năm, ông Đê nhiều lần thay đổi, bổ sung yêu cầu khởi kiện thể hiện tại các đơn ngày 18/11/2013, ngày 10/11/2016, ngày 27/4/2023.

Về Giấy mượn tiền lập ngày 11/4/2011, có người làm chứng tên “Lê Thị Bé”. Ở giai đoạn sơ thẩm, nguyên đơn đưa đến tòa án một phụ nữ, xác nhận là người kí tên trong Giấy mượn tiền ngày 11/4/2011. Lạ thay, khi kí tên vào bản khai, “nhân chứng” người này lại ghi tên “Võ Thị Bé” (?!). Chỉ nhìn mắt thường cũng dễ dàng nhận ra, chữ kí và chữ viết tay ghi họ tên trong Giấy mượn tiền và bản khai tại Toà là của hai người khác nhau.

Căn cứ đề nghị xem xét giám đốc thẩm

TAND Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh xét xử phúc thẩm ngày 5/8/2024. Tại Toà, bà Huỳnh Thị Bế (bị đơn) đề nghị Hội đồng xét xử (HĐXX) yêu cầu nguyên đơn xuất trình “bản gốc” Giấy mượn tiền lập ngày 11/4/2011. Phía nguyên đơn xác định trước HĐXX là “Không có”.

Phiên toà nóng lên khi có mặt của nhân chứng thật Lê Thị Bé (66 tuổi, thường trú tại 1094 Tỉnh lộ 43, khu phố 1, phường Bình Chiểu, TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh). Bà Bé xác định trước HĐXX: “Tôi (Lê Thị Bé) là nhân chứng số 2 và đã kí tên trên Giấy mượn tiền giữa ông Đỗ Văn Đê với bà Huỳnh Thị Bế vào ngày 11/4/2011 và chỉ kí 1 bản gốc”. Đây là tình tiết vô cùng quan trọng của vụ án, chứng minh “nhân chứng Võ Thị Bé” được nguyên đơn đưa đến Toà án là có dấu hiệu giả mạo. Thật khó tin, HĐXX phúc thẩm đã phớt lờ nhân chứng thật, chấp nhận nhân chứng có dấu hiệu giả mạo của cấp sơ thẩm, rồi hỏi vặn lại bị đơn: “Tại sao không có ý kiến ở giai đoạn sơ thẩm”(?!).

Người cao tuổi đề nghị xem xét bản án theo thủ tục giám đốc thẩm
Chữ kí và chữ viết của nhân chứng Lê Thị Bé trong Giấy mượn tiền so với chữ kí và chữ viết của “nhân chứng Võ Thị Bé” tại Toà sơ thẩm.

Ngoài nhân chứng, phía bị đơn và Luật sư trợ giúp pháp lí cho bà Bế trưng bằng chứng để chứng minh một loạt vấn đề mà bản án sơ thẩm bỏ qua như Giấy mượn tiền phô-tô không có bản gốc để đối chiếu; có dấu hiệu giả mạo chữ kí… Tuy nhiên, HĐXX phúc thẩm vẫn tuyên xử: chấp nhận toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn.

Bà Bế bức xúc: “Tài sản được hai bên mua bán bằng hợp đồng có công chứng hẳn hoi, sang tên hợp pháp. Tôi trở thành chủ tài sản, trực tiếp quản lí, sử dụng suốt từ năm 2010 đến nay đã 14 năm, bỗng dưng biến thành hợp đồng “giả cách”. Trong khi đó, HĐXX sơ thẩm và HĐXX phúc thẩm lại sử dụng chứng cứ lộ rõ dấu hiệu ngụy tạo (tài liệu photo không có bản gốc, thể hiện dấu hiệu giả mạo chữ kí của tôi) và người làm chứng có dấu hiệu là giả, để xử cho nguyên đơn thắng kiện. Tôi sẽ đi đến cùng, quyết đưa sự thật ra ánh sáng”.

Thạc sĩ, luật sư Nguyễn Nguyện Xuân Thảo, Giám đốc Công ty Luật Saigon Shield (Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh) và nhóm Luật sư trợ giúp pháp lí cho bà Bế, phân tích chỉ ra 6 điểm bất thường của hai bản án phúc thẩm và sơ thẩm, lộ rõ dấu hiệu xét xử không khách quan.

Người cao tuổi đề nghị xem xét bản án theo thủ tục giám đốc thẩm
Biên bản lấy lời khai của TAND TP Hồ Chí Minh với “nhân chứng Lê Thị Bé” nhưng người khai ký tên “Võ Thị Bé”

Thứ nhất: Cả 3 hợp đồng mua bán nhà ở, chuyển nhượng quyền sử dụng đất (QSDĐ) được hai bên xác lập, công chứng ngày 11/8/2010 và ngày 9/11/2010. Hoàn tất thủ tục, bà Bế đã được UBND quận 12 cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà, QSDĐ trong tháng 10 và 12/2010. Như vậy, 3 hợp đồng mua bán nhà ở, chuyển nhượng QSDĐ có trước Giấy mượn tiền (được hai bên lập ngày 11/4/2011) hơn nửa năm, thì sao là “giả cách”?

Trong khi, để tuyên hủy 3 hợp đồng là các “giao dịch dân sự vô hiệu do giả tạo” theo Điều 124 Bộ luật Dân sự năm 2015, thì cần phải chứng minh có sự tồn tại củagiao dịch vay mượn tiền. Và giao dịch vay tiền phải có trước khi hai bên kí 3 hợp đồng mua bán nhà ở, chuyển nhượng QSDĐ để chứng minh ngay từ đầu các bên không có ý chí, không có mục đích mua bán, chuyển nhượng nhà đất. Việc kí 3 hợp đồng này chỉ nhằm bảo đảm cho việc ông Đê trả nợ cho bà Bế.

Người cao tuổi đề nghị xem xét bản án theo thủ tục giám đốc thẩm
Nhân chứng Lê Thị Bé viết “Bản tự khai và cam kết”

Thực tế, ông Đê không có bất kì tài liệu nào liên quan đến việc vay mượn tiền tại thời điểm tháng 8/2010, để chứng minh “giả cách” nên sử dụng Giấy mượn tiền lập ngày 11/4/2011 để chứng minh, hoàn toàn không đúng sự thật. Bà Bế chứng minh Giấy mượn tiền được lập cho một khoản vay mượn khác sau này của ông Đê.

Thứ hai: Bản án xác định ông Đê đã giải chấp các tài sản đang thế chấp tại Ngân hàng tại thời điểm tháng 8/2010, để thực hiện việc vay tiền của bà Bế và thế chấp lại các tài sản này bằng hình thức kí 3 hợp đồng mua bán chuyển nhượng “giả cách”. Thật vô lí, các hợp đồng tín dụng giữa ông Đê với Agribank – Chi nhánh Gia Định còn thời hạn đến hết năm 2012, với lãi suất chỉ 12,72%/năm. Nếu chỉ vay tiền mà không có nhu cầu bán nhà đất thì nguyên đơn vẫn có thể tiếp tục hợp đồng vay với Ngân hàng. Ông Đê không dại gì giải chấp tài sản từ Ngân hàng lãi suất thấp, mang thế chấp vay tiền tại cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ của bà Bế với lãi suất cao hơn nhiều. Thực tế, tại thời điểm tháng 8/2010, ông Đê thật sự cần một khoản tiền lớn nên quyết định bán tất cả 5 tài sản mà mình đang thế chấp tại Ngân hàng cho bà Bế (3 tài sản) và ông Phan Thế Hòa (2 tài sản).

Mặt khác, bà Bế mở dịch vụ cầm đồ chuyên nghiệp, không thể có việc cho vay mượn vào tháng 8/2010 mà đến ngày 11/4/2011 mới lập Giấy mượn tiền. Do đó, Giấy mượn tiền lập ngày 11/4/2011 không thể nào chứng minh cho các hợp đồng mua bán, chuyển nhượng nhà đất có công chứng được thực hiện từ trước đó 6 tháng là “giả cách”.

Người cao tuổi đề nghị xem xét bản án theo thủ tục giám đốc thẩm
Đơn kêu cứu của bà Huỳnh Thị Bé

Thứ ba: Giấy mượn tiền ngày 11/4/2011 được hai cấp Toà xác định là “chứng cứ cốt lõi” của vụ án lại không có bản chính trong hồ sơ vụ án, là dấu hiệu vi phạm Khoản 1, Điều 95 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, quy định về xác định chứng cứ: “Tài liệu đọc được nội dung được coi là chứng cứ nếu là bản chính hoặc bản sao có công chứng, chứng thực hợp pháp hoặc do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cung cấp, xác nhận”.

Thứ tư: Bà Bế phải vay thêm tiền từ Ngân hàng ACB mới có đủ tiền mua 3 tài sản của ông Đê, sau này phải bán căn nhà đang ở tại TP Thủ Đức để trả các khoản vay. Trong đơn khởi kiện ông Đê cho rằng khi gần đến ngày đáo hạn Ngân hàng thì bà Bế cho ông vay tiền để đáo hạn Ngân hàng mà không lấy lãi để làm phước (?!). Như vậy, không chỉ có dấu hiệu nguỵ tạo chứng cứ, nguyên đơn còn thể hiện sự gian dối trong việc khởi kiện. Nhưng, cả hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm đều xác nhận nội dung này.

Thứ năm: Sự thật nhân chứng thứ 2 trong Giấy mượn tiền ngày 11/4/2011 tên là Lê Thị Bé. Nhưng nguyên đơn đưa ra một phụ nữ đến Toà cấp sơ thẩm để làm nhân chứng. Sau khi lấy lời khai, người này kí tên “Võ Thị Bé”, vậy mà Toà cấp sơ thẩm cũng chấp nhận. Và đến Toà cấp phúc thẩm, HĐXX cũng chấp nhận! Trong khi đó, bị đơn đưa đến toà nhân chứng thật đến phiên toà phúc thẩm thì bị bác bỏ.

Thứ sáu: Bản án phúc thẩm viện dẫn sai ý kiến phát biểu của đại diện Ngân hàng Đại chúng Việt Nam (người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trong vụ án). Cụ thể: đại diện Ngân hàng này “thống nhất với quan điểm của luật sư Nguyễn Đồng Bằng”. Thế nhưng trong Bản án lại biến thành “đề nghị HĐXX giữ nguyên bản án sơ thẩm” (?)

Theo thạc sĩ – luật sư Nguyễn Nguyện Xuân Thảo và nhóm Luật sư trợ giúp pháp lí cho bà Bế, với 6 điểm nêu trên, có căn cứ để bà Bế có đơn gửi Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng Viện KSND Tối cao, đề nghị xem xét theo thủ tục Giám đốc thẩm đối với vụ án này.

Nhóm PVPL

Chủ đề:
Bạn đang xem danh mục: TECHNOLOGY
Tin cập nhật