(Alotintuc.com) – Câu Chuyện Cuộc Sống tuần này tiếp tục lên sóng chia sẻ với những câu chuyện: Dạy con cách bảo mật thông tin trên MXH, Có nên “Tạm dừng” sau tốt nghiệp đại học?, Tác động tâm lý của việc thất nghiệp kéo dài.
Dạy con cách bảo mật thông tin trên MXH
Trong thời đại số hiện nay, trẻ em thường thiếu kinh nghiệm và nhận thức về các mối nguy hiểm trên không gian mạng, vì vậy trẻ em dễ dàng trở thành mục tiêu của các đối tượng xấu. Theo thống kê của Bộ Công An, trong 3 năm qua, xảy ra hơn 400 vụ việc kẻ xấu dụ dỗ, xâm hại trẻ em qua các trang MXH. Điều đáng lo ngại, cha mẹ vẫn chưa ý thức và lúng túng không biết nên bắt đầu dạy con từ đâu.
Chị T.T.K.L (TP.HCM) thổ lộ: “Con gái của tôi đang học lớp 10, từng bị tài khoản giả mạo dụ dỗ để chia sẻ thông tin, hình ảnh nhạy cảm của gia đình. Nguy hiểm hơn là còn đe dọa bé. Gia đình phải mất rất nhiều thời gian ổn định lại tinh thần cho bé. Tôi cũng rất hối hận khi không dạy bé cách phòng tránh vấn đề xảy ra”.
Chị N.N.N.P (TP.HCM) thổ lộ: “Con gái tôi từng đăng ảnh gia đình, kèm địa chỉ và số điện thoại để tham gia một cuộc thi trên MXH. Sau đó thì tôi nhận được những cuộc gọi lạ, thậm chí tìm đến nhà làm phiền. Tôi nhận ra là mình quá lơ là”.
Tiến sĩ Phạm Thị Thúy (Chuyên gia Xã hội học) chia sẻ : “Facebook lưu tất cả thông tin về chúng ta. Đó chính là mối nguy hiểm tiềm tàng và các bé không hề biết. Cha mẹ và nhà trường phải hướng dẫn trẻ kỹ năng sử dụng MXH càng sớm càng tốt, kiên trì và lặp lại nhiều lần để bé hiểu sâu vấn đề. Phụ huynh chủ động cài đặt quyền riêng tư, chế độ xem thiết lập ở mức cao nhất trên các trang MXH của các bé. Gia đình luôn phải dạy các bé nguyên nhân và tác hại của ghi công khai thông tin cá nhân, địa chỉ, trường học, thói quen trên MXH”.
Dạy trẻ cách bảo mật thông tin trên không gian mạng là một nhiệm vụ, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa trẻ, gia đình, nhà trường và xã hội. Gia đình đóng vai trò cốt lõi nhất để giáo dục, giám sát, định hướng. Đồng thời, các em cần được học kỹ năng sử dụng trong môi trường số.
Có nên “Tạm dừng” sau tốt nghiệp đại học?
Xu hướng “Tạm dừng”, hay còn gọi là “Gap year” ngày càng phổ biến, đặc biệt là các bạn trẻ vừa tốt nghiệp đại học. Làm thế nào “Tạm dừng” thành công và hiệu quả?
Chị Nguyễn Ngọc Thanh Hải (TP.HCM) chia sẻ: “Mình không lựa chọn “Gap year” vì sợ không cạnh tranh được với bạn bè, và sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch tự do tài chính của bản thân”.
Chị Nguyễn Lê Mỹ An (TP.HCM) chia sẻ: “Sau 1 tháng đi thực tập, mình cảm thấy bản thân chưa thực sự sẵn sàng, chưa đủ kỹ năng sống, nên mình quyết định đi trải nghiệm cuộc sống nhiều hơn”.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Minh Thoa (Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG TP.HCM) chia sẻ: “Lợi ích trước tiên, bạn có thời gian để nghỉ ngơi, giảm căng thẳng. Tuy nhiên bạn cũng mất nhiều thứ: Tụt hậu so với các bạn đồng trang lứa, đối mặt với áp lực cạnh tranh của thế hệ sau, kiến thức bị mai một dẫn đến sự nhạy bén sụt giảm, mất định hướng nghề nghiệp. Tuy nhiên “Gap year” không xấu, để hiệu quả hãy luôn cập nhật xu hướng việc làm, hoàn thiện kỹ năng còn thiếu”.
Việc lựa chọn “Gap year” phụ thuộc vào định hướng tương lai, điều kiện kinh tế của mỗi cá nhân. Quan trọng hơn hết, xác định đích đến và tin tưởng vào lựa chọn của mình.
Tác động tâm lý của việc thất nghiệp kéo dài
Thất nghiệp là chuyện không hiếm gặp trong cuộc sống, nhưng nếu kéo dài sẽ gây ra ảnh hưởng tâm lý nghiêm trọng. Thất nghiệp kéo dài mang nhiều khó khăn về tài chính và đặc biệt tác động đến lòng tự trọng và giá trị cá nhân. Đôi khi dẫn đến áp lực vô hình gây ra những tai nạn không mong muốn.
Anh Đ.K (TP.HCM) thổ lộ: “Ban đầu, em tích cực nộp đơn, sau một vài tháng không được phản hồi và thậm chí từ chối, em bắt đầu thấy chán nản, cảm thấy bản thân kém cỏi, không dám mở email xem phản hồi từ phía doanh nghiệp và chỉ muốn ngủ cho qua ngày”.
Chị Yến Kha (tỉnh Vĩnh Long) chia sẻ: “Mình quyết định nghỉ việc ngành truyền thông sau hơn 2 năm làm việc. Sau đó, mình bắt đầu đi du lịch, trở về nhà, sinh hoạt cùng với gia đình, tiếp tục học tập và mình quyết định làm thêm công việc part time để phục vụ việc học”.
Chuyên gia Trần Thị Hạnh Dung (Trung tâm tâm lý trị liệu NHC Việt Nam) cho biết: “Trong xã hội hiện nay, công việc ổn định được xem là thước đo giá trị mỗi người. Công việc ổn định khiến cho cá nhân tự tin về giá trị bản thân và ngược lại”.
Ông Nguyễn Quang Trường (Phó Giám đốc Trung tâm Hướng nghiệp TP.HCM) khẳng định: “Thất nghiệp không có nghĩa là không làm gì, hãy tìm những công việc thay thế mà mình yêu thích, giúp bản thân nhận thức mình có giá trị, tạo được giá trị cho xã hội, nâng cao sức khỏe, tinh thần, tìm điểm mạnh, điểm yếu của bản thân hoặc thay đổi định hướng công việc”.
Thất nghiệp kéo dài để lại nhiều hậu quả, nhưng với sự hỗ trợ và định hướng đúng đắn, chúng ta hoàn toàn vượt qua được thử thách. Điều quan trọng nhất là hãy luôn tin tưởng bản thân mình.
Câu Chuyện Cuộc Sống là chương trình có thời lượng 7-9 phút khai thác thông tin đa chiều, khách quan về các vấn đề đời sống xã hội đang được công chúng quan tâm. Bằng những cuộc đối thoại ngắn kết hợp video dàn dựng, phóng sự phản ánh, Câu chuyện Cuộc Sống làm khơi gợi lên những chủ đề đang được xã hội quan tâm như: đạo đức gia đình, trách nhiệm với xã hội, pháp luật, pháp lý, văn hóa, an toàn sống của những cá nhân, tập thể điển hình,…
Bên cạnh đó, Câu Chuyện Cuộc Sống còn chia sẻ những ý kiến phân tích, đánh giá từ các chuyên gia, những suy ngẫm, trăn trở về các sự kiện, vấn đề trong xã hội đã, đang và sẽ diễn ra. Đồng thời, chương trình còn tạo nên kênh thông tin phản biện, định hướng dư luận xã hội, mang đến những kỳ vọng về sự tốt đẹp, an lành và hướng thiện.
Câu Chuyện Cuộc Sống phát sóng vào lúc 19:50 Thứ Ba, Thứ Năm và Thứ Sáu hàng tuần trên kênh THVL1. Chương trình do Đài truyền hình Vĩnh Long và Jet Studio phối hợp thực hiện.
Minh Khôi